Tìm hiểu triệu chứng dễ nhận biết về bệnh sởi ở trẻ em
Bệnh sởi ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra và rất dễ lây qua đường hô hấp. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 20 triệu bệnh nhân bị sởi. Ở trẻ em, bệnh diễn biến khá nhanh và gây nguy hiểm vì khi mắc sởi, trẻ bị suy giảm miễn dịch, có khả năng gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế bố mẹ nên lưu ý để phát hiện và chăm sóc bé kịp thời.
- Hướng dẫn phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em đúng cách tại nhà
- Nguyên nhân và cách điều trị bệnh táo bón ở trẻ em
Bệnh sởi ở trẻ em là gì?
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra mà ai cũng có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em. Bệnh sởi ở trẻ em có khả năng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp thông qua các chất tiết của mũi, họng,… khi bệnh nhân giao tiếp hoặc hắt xì hơi.

Thông thường, bệnh sởi ở trẻ em có thể điều trị đơn giản và có thể hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, một số trường hợp, sởi có thể dẫn đến nhiễm trùng tai, tiêu chảy hoặc viêm phổi. Ngoài ra, sởi có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm não ở trẻ em, gây co giật, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, trẻ có thể được phòng ngừa sởi dễ dàng bằng việc tiêm vắc xin định kỳ.
Dấu hiệu của bệnh sởi ở trẻ em
Dấu hiệu trẻ bị sởi ở những ngày đầu với những vết ban đỏ từ mặt và dần lan ra khắp cơ thể. Ngoài ra, bé còn bị sốt cao, nhiệt độ cơ thể lên đến 38–39ºC, chảy nước mắt, nước mũi đi kèm phát ban. Bệnh sởi ở trẻ em thường diễn biến theo 4 giai đoạn:
Giai đoạn ủ bệnh
Giai đoạn đầu tiên của bệnh sởi ở trẻ em kéo dài 10-12 ngày, không có dấu hiệu rõ rệt nhưng trẻ có thể sốt nhẹ.
Giai đoạn khởi phát
Là giai đoạn bệnh dễ lây lan nhất, kéo dài từ 2-4 ngày. Trẻ sẽ có các biểu hiện sốt cao đến 40oC kèm nhức đầu, nhức cơ cùng cảm giác mệt mỏi kéo dài, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi viêm thanh quản cấp.

Đặc biệt, cha mẹ có thể thấy hạt koplik (các hạt nhỏ khoảng 0,5–1mm, màu trắng, có quầng ban đỏ) bên trong miệng, ngang răng hàm trên, đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi ở trẻ em.
Giai đoạn phát ban
Thời kỳ này kéo dài 2-5 ngày, sau khi sốt, trẻ bắt đầu phát ban. Các nốt ban màu hồng nhạt dính vào nhau xuất hiện từ sau tai rồi lan dần ra hai tứ chi trong vòng 24 giờ. Trong 48 giờ tiếp theo, ban có thể lan xuống đùi và bàn chân. Ban mọc càng dày chứng tỏ tình trạng bệnh càng nặng, đặc biệt khi ban mọc trong lòng bàn tay, bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt sẽ giảm dần.
Giai đoạn phục hồi
Các vết ban trên da nhạt dần rồi chuyển sang màu xám, bong vẩy phấn sẫm màu, để lại vết thâm được gọi là vằn da hổ. Nếu không có biến chứng thì bệnh sởi ở trẻ em sẽ tự khỏi nhưng tình trạng ho có thể kéo dài 1–2 tuần sau đó.
Phân biệt sởi bệnh lý và sốt phát ban thông thường
Triệu chứng sởi ở trẻ em trong những ngày đầu của giai đoạn khởi phát đôi khi rất khó phân biệt với dấu hiệu viêm đường hô hấp, phát ban thông thường khác. Do đó, cần xem xét thêm những điều kiện sau để khoanh vùng khả năng trẻ mắc bệnh sởi:
- Trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm vắc-xin phòng sởi hoặc đã tiêm nhưng chưa đủ số mũi
- Trên 1 tuổi nhưng bé mới chỉ tiêm 1 mũi phòng sởi
- Ở trong vùng dịch sởi hoặc vừa tiếp xúc với vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người mang bệnh

Ngoài ra, dưới đây là một số cách phân biệt triệu chứng sởi bệnh lý và sốt phát ban ở trẻ mà cha mẹ nên biết:
- Nếu là phát ban thông thường thì chỉ là những ban đỏ, mịn, sáng, nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi hết thì thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.
- Nếu là phát ban do bệnh sởi thì có những đặc trưng như: Vết ban lan ra toàn thân, đặc điểm của ban sởi có dạng sẩn, gồ lên mặt da, khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da.