Những thông tin hữu ích để cha mẹ ứng phó với bệnh thủy đậu ở trẻ em
Bệnh thủy đậu ở trẻ em là một bệnh khá phổ biến, tuy lành tính nhưng lại dễ lây lan và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy cha mẹ cần phải nắm rõ các dấu hiệu cũng như cách điều trị bệnh để đảm bảo an toàn cho bé. Bài viết hôm nay sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để bạn có thể ứng phó với bệnh thủy đậu ở trẻ em.
- Cha mẹ nên điều trị bệnh đau đầu ở trẻ như thế nào cho đúng
- Tìm hiểu triệu chứng dễ nhận biết về bệnh sởi ở trẻ em
Bệnh thủy đậu ở trẻ em là gì?
Thủy đậu thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm trên da gây ra bởi 1 loại virus mang tên mang tên Varicella Zoster. Loại virus này cũng có thể gây ra bệnh zona thần kinh. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân ở đối tượng chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em có tốc độ lây truyền nhanh, con đường lây truyền bệnh thường qua không khí, từ bệnh nhân thủy đậu khi họ hắt hơi, ho,…Ngoài ra, thủy đậu có thể lây từ vết thương bị bỏng khi chúng vỡ ra hoặc vùng da tổn thương, lở loét từ bệnh nhân thủy đậu. Nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ bùng lên thành ổ dịch.
Triệu chứng nhận biết của bệnh thủy đậu ở trẻ em
Thời gian từ khi bị nhiễm virus thủy đậu gây bệnh cho đến khi bệnh bắt đầu có các triệu chứng rõ rệt trên cơ thể là trung bình khoảng 12 – 14 ngày. Ngoài ra, một số người có các biểu hiện sớm hơn thì thường là 10 ngày, một số người trên 20 ngày mới phát bệnh. Bệnh thủy đậu ở trẻ em thường chia làm 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn khởi phát
Bệnh thủy đậu ở trẻ em ở giai đoạn đầu có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, một số trường hợp có thể không có dấu hiệu cảnh báo bệnh.
Giai đoạn phát bệnh
Trên người trẻ xuất hiện những nốt hồng ban ở đường kính vài mm trong khoảng 12 – 24 tiếng đồng hồ. Sau đó, chúng sẽ phát triển thành các mụn nước, bóng nước. Phỏng nước xuất hiện đầu tiên ở mặt, ngực và lưng sau đó lan dần khắp cơ thể.

Ban đầu, phỏng nước này có màu trong suốt, sau 1 ngày sẽ chuyển sang đục như mụn mủ. Tiếp theo đó 2-3 ngày mụn có thể đóng vẩy. Các mụn nước này mọc làm nhiều đợt khác nhau nên trên cùng một vùng da có thể thấy nhiều dạng khác nhau: đỏ rát, mụn nước trong, mụn nước đục, mụn đóng vẩy…
Giai đoạn phục hồi
Nếu không bị biến chứng thì bệnh thủy đậu ở trẻ em có thể khỏi trong 1-2 tuần. Các nốt mụn đóng vẩy và bay đi rất nhanh, thường sẽ để lại vết thâm sẹo nhưng không đáng kể. Sức khỏe bé dần phục hồi lại: giảm sốt, ăn uống trở lại như thường, không còn triệu chứng đau họng, hạch sau tai,…
Bệnh thủy đậu ở trẻ em được ứng phó như thế nào?
Những gợi ý sau đây giúp các bậc cha mẹ có thể chăm sóc trẻ đúng cách và giảm thiểu nguy cơ biến chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ em cũng như giúp bé mau khỏi bệnh:
Cách ly trẻ nhanh chóng
Trẻ em bị bệnh thủy đậu cần nằm phòng cách ly áp lực âm để ngăn ngừa lây nhiễm cho người lành. Sau khi xuất viện vẫn cần được cách ly đến khi khỏi bệnh hẳn. Ngoài ra, tất cả đồ dùng cá nhân của trẻ như bát đũa, khăn mặt, bàn chải đánh răng,… phải dùng riêng.
Chăm sóc cho trẻ
Khi bệnh thủy đậu ở trẻ em phát tán, cần giữ vệ sinh cho trẻ bằng cách dùng nước ấm và khăn mềm thấm nước lau người cho trẻ, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm trầy hay vỡ các nốt thủy đậu. Sau đó dùng khăn xô thấm khô người đồng thời cho trẻ mặc quần áo mềm mại, thấm mồ hôi và đặc biệt giữ vệ sinh da cho trẻ đề phòng biến chứng không mong muốn.

Tuyệt đối không cho trẻ gãi khiến mụn nước và vây mủ ra vùng da lân cận. Tốt nhất nên cho trẻ đeo bao tay vải tránh tác động vào mụn nước. Hạn chế để bé ra gió vì cơ thể dễ bị nhiễm lạnh và làm cho bệnh ngày càng tồi tệ hơn.
Đối với khẩu phần ăn hàng ngày cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như cam, chuối,…
Đưa trẻ đi khám bác sĩ
Khi có biểu hiện bệnh thủy đậu ở trẻ em, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và có chỉ định điều trị phù hợp. Thông thường bác sĩ sẽ cho trẻ dùng thuốc hạ sốt, kháng sinh và thuốc bôi ngoài da.
Trong quá trình điều trị và chăm sóc, cha mẹ vẫn cần chú ý theo dõi kỹ tình trạng của trẻ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao không hạ hoặc đã hạ sốt nhưng đột nhiên sốt cao trở lại hay các mụn thủy đậu bị vỡ gây trầy xước da, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.