Cách đơn giản để phân biệt cà phê trộn pin và cà phê thật
Tin tức mới đây về hàng loạt những vụ cà phê bẩn đã khiến dư luận hoang mang, cà phê trộn pin mới đây được phát giác khiến cho người tiêu dùng sợ hãi. Dưới đây là một số bí quyết để phân biệt cà phê thật và cà phê trộn tạp chất dù bạn là ai cũng cần phải biết.
Ngày 16/4, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông bắt quả tang cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thôn 13 xã Đắk Wer, H.Đắk Lấp đang pha trộn tạp chất vào cà phê.
Ngay tại hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện có hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết trong kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin Con ó, 2 chậu chứa 35 kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10 kg… dùng để nhuộm đen cà phê.
Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận hành vi đến các đại lý thu mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn… sau đó mua các cục pin về đập dẹp, dùng lõi pin hòa với nước rồi nhuộm vào cà phê, đóng gói bán ra thị trường.
Vụ việc này nổi lên khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang.
Làm sao để nhận biết cà phê lẫn tạp chất?
Trước những thông tin ồ ạt về “cà phê bẩn” khiến người dân hoang mang, ông Lê Văn Đại – Phó giám đốc Công ty sản xuất cà phê Đại Nguyên (Địa chỉ tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) đã có những chia sẻ về việc nhận biết các loại cà phê có lẫn tạp chất.
Theo ông Đại, bột cà phê nguyên chất rất nhẹ, khi thả vào nước lạnh sẽ rơi dần dần và không thấm nhanh như cà phê lẫn tạp chất.
“Khi pha 1 ly cà phê nguyên chất ở trong phin thì phải mất 1-2 phút nước mới ngấm đều được vào cà phê và nó xuống nước 1 cách chậm rãi hơn. Còn loại lẫn tạp chất thì nó ngậm nước ngay.
Kể cả khi mình pha thật là đậm thì nước cà phê ra cũng là màu nâu đậm chứ không phải là màu đen”, ông Đại cho hay.
Một cách khác được ông Nguyễn Quang Thắng – Phó giám đốc Công ty Đầu tư và xuất nhập khẩu An Phong Đắk Nông (Địa chỉ tại Phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông) đưa ra để so sánh 2 loại cà phê này:
“Cà phê nguyên chất có 2 đặc điểm cơ bản. Khi pha ra nước nó có màu nâu cánh gián. Thứ 2 đó là thủy trạng của nước khi pha cà phê nó loãng chứ không sệt sệt, không bị keo lại.
Ngoài ra, theo ông những người “sành” cà phê có thể thể dễ dàng nhận thấy mùi của cà phê trộn tạp chất, hương liệu bao giờ cũng nồng hơn. Còn cà phê nguyên chất bao giờ hương cũng nhẹ hơn”.
Chia sẻ thêm trước thông tin, cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Loan sử dụng vỏ cà phê trộn vào lõi pin nhưng chưa rõ vì mục đích gì, ông Thắng đưa ra nhận xét:
“Vỏ cà phê đa số Công ty mình dùng để ủ làm phân bón cho cây hoặc đổ đi. Việc nhuộm đen vỏ cà phê thì đây là lần đầu tiên tôi thấy”.
Ông Thắng cho rằng, bản thân từng nghe đến việc dùng xác cau bỏ vào để tăng độ đắng và tăng cafein cho cà phê. Còn đối với việc nhuộm đen vỏ cà phê bản thân ông cũng không thể hiểu có mục đích gì.